Thông báo Kết quả tiếp công dân định kỳ ngày 05/9/2024   |    Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 8; nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2024   |    Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 8; nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2024   |    Giấy mời Tiếp dân định kỳ ngày 05/9/2024   |    Thông báo Danh mục tài liệu ôn tâp kỳ thi tuyển công chức cấp xã năm 2024   |   

Xã Kỳ Tân xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

  

15:37 04/07/2024

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, xã Kỳ Tân đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao trong năm 2024.


Thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, gắn với hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn xã Kỳ Tân đã đem lại những kết quả khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng lên theo hướng tích cực. Theo đó tư duy sản xuất của bà con cũng được nâng lên rõ rệt. Ở nhiều nơi, sản xuất hàng hóa đã được chú trọng, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân.


Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Kỳ Tân là mô hình trồng dưa hấu Apolo của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ (SN 1986) trú tại thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân. Nhờ khám phá, tìm tòi và học hỏi, chị nhận thấy, giống dưa hấu Apolo rất phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương, gia đình chị đã mạnh dạn thuê 5 ha đất nông nghiệp để tiến hành canh tác. Theo đó, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đến nay mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn. Trung bình, trên 1ha gia đình chị thu về hơn 15 tấn dưa hấu. Ngoài ra, mô hình đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, với mức thu nhập ổn định. Đây được xem là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của địa phương


Là một trong những hộ nông dân đi đầu trong việc phát triển kinh tế trang trại của địa phương. Cách đây nhiều năm, anh Lê Ngọc Đồng (trú tại thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân) luôn có định hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt . Nhưng vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2014, gia đình anh quyết định liên kết với công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco ( Hà Tĩnh), anh mạnh dạn vay vốn và bắt tay đầu tư xây dựng hệ thống trang trại hiện đại và được công ty tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Bước đầu, anh chú trọng đầu tư  xây dựng chuồng trại với quy mô lớn, đáp ứng điều kiện để chăn nuôi liên kết.


Trong quá trình triển khai, mặc dù chịu không ít tác động của các yếu tố bên ngoài như: dịch bệnh, thị trường, giá cả… nhưng công ty và nông dân vẫn tuân thủ theo hợp đồng ký kết. Do vậy, mô hình đã giải quyết được 4 vấn đề khó khăn cơ bản cho người dân trong sản xuất là giống, vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa bền vững. Đến nay, mỗi năm gia đình anh nuôi 3 lứa lợn lấy thịt, mỗi lứa hơn 500 con, trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu về hơn 150 triệu đồng.


Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và kinh nghiệm của bản thân, mô hình HTX trồng dâu nuôi tằm Công nghệ cao Việt Tấn của gia đình anh Anh Nguyễn Ngọc Tấn cũng đã đạt được nhiều thành công nhất định. Với công việc khá nhẹ nhàng, phù hợp với lao động của địa phương, hiện nay, HTX đã tạo công ăn việc việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhờ có đồng lương ổn định, họ dần ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.


Năm 2020, HTX mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà ươm và nuôi tằm hiện đại với hệ thống điều hòa kín, tối ưu hóa môi trường cho tằm phát triển. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiệu quả, đã giúp HTX tăng năng suất lên 2 tấn kén/ha/năm, mang lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Vượt lên những thách thức của nghề truyền thống, HTX đã thành công khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó chất lượng kén tằm được nâng lên, sợi tơ dai, bóng mịn, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của thị trường. Khi chất lượng kén tằm vượt trội cũng đã mở ra cho HTX nhiều cơ hội hợp tác mới. Trong đó, nhiều công ty như Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái và các nhà máy ươm tơ tự động đã cam kết thu mua số lượng lớn, thời gian dài với các sản phẩm kén tằm của HTX. Đây là động lực lớn để HTX tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại sản xuất, trong thời gian tới.


Thời gian qua, nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò kết nối, định hướng của Hội nông dân. Đặc biệt là sự đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nỗ lực vượt khó, vươn lên của người nông dân xã Kỳ Tân đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế phát triển nông nghiệp có hiệu quả. Góp phần đưa ngành nông nghiệp ở địa phương phát triển tương đối toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn xã có trên 47 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao; 6/8 thôn Đạt khu dân cư kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/ năm.


Vượt qua bao khó khăn, giờ đây, người nông dân xã Kỳ Tân đã biết chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu… Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, chung tay góp sức đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.  Thời gian tới, xã Kỳ Tân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bài viết: Huyền Trang - Văn Thoại - Tiến Quân


Thêm nhận xét mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại