22-06-2019 - 09:57

Cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng

Thời tiết hiện đang trong những ngày nắng nóng, là thời điểm dễ phát sinh nhiều dịch bệnh mùa hè như tiêu chảy, sốt vi rút, các bệnh lý về đường hô hấp.. kèm theo đó là nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Phan Thị Thục Nga, xóm Thắng Hoà xã Thạch Tân huyện Thạch Hà cho biết: “Mùa hè nắng nôi nên việc chọn thực phẩm, nhất là thịt cá sống tôi đều ưu tiên thực phẩm sạch, vừa đảm bảo chất lượng lại an toàn, ngay cả việc trữ đông thức ăn cũng có thời gian nhất định, không vì tiếc rẻ mà ăn đi ăn lại đồ thừa hoặc đồ để quá lâu trong tủ. Do công việc bận nên tôi thường mua thức ăn khoảng 2 lần/tuần cho cả gia đình, sơ chế sạch sẽ rồi bảo quản trong tủ, mùa hè gia đình tôi cũng hạn chế tối đa việc ăn ngoài hàng quán, cứ tự mình chủ động làm chế biến vẫn an tâm hơn”.

Siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch là những địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm

 

Còn đối với chị Hoàng Thị Quỳnh Trang, ở tổ 1, phường Tân Giang - thành phố Hà Tĩnh chia sẻ, trong những ngày nắng nóng chị luôn chú ý đến chế độ ăn và chất lượng bữa ăn cho cả gia đình. Thực phẩm được mua khi còn tươi, nhất là đối với các loại thịt, cá do thời tiết nóng làm chúng nhanh bị hỏng hơn bình thường. Với các loại rau, củ quả chị rửa kỹ bằng nước sạch hoặc nước muối loãng, chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm. Đối với tủ lạnh, chị phân loại thực phẩm để có cách bảo quản hợp lý, đồ ăn chín được cho vào các hộp đựng đậy nắp để không bị nhiễm vi khuẩn từ các loại đồ ăn tươi sống khác. Đồng thời nhắc nhở các thành viên trong gia đình cần chú ý khi ăn các loại thức ăn đường phố. Không ăn các loại rau sống hoặc đồ ăn chưa nấu chín như tiết canh, gỏi cá, nem chua khi không biết rõ quy trình chế biến, nguồn gốc xuất xứ.

Các thực phẩm cần có nguồn gốc rõ ràng

 

Bác sỹ Đào Thị Phương - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hà Tĩnh cho biết:Trong mùa nắng nóng, Trung tâm luôn chủ động đi kiểm tra và đôn đốc các trạm y tế xã chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân. Các trạm tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân về các biện pháp phòng bệnh theo mùa, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua nhiều hình thức khác nhau như: qua hệ thống truyền thanh của thôn, xóm, khu dân cư; tuyên truyền của các cộng tác viên y tế thôn bản. Từ đó, giúp người dân biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi sinh sống.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống vi phạm VSATTP

 

Bác sỹ Phan Văn Hùng – Chi Cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chia sẻ: Thông thường thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc. Các loại thực phẩm không sử dụng hết, khi kéo dài thời gian để trong môi trường bên ngoài sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng, nhất là đối với mùa nắng nóng. Với các loại thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại trường học, nhà máy, xí nghiệp, người chế biến thực phẩm nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như dưa chua, thực phẩm không tươi sống, không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu.

Bác sỹ Hùng cũng khuyến cáo thực phẩm dù ở thời tiết nào nếu không được bảo quản đúng cách đều có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng đặc biệt với mùa hè, do thời tiết nóng ẩm dễ sản sinh ra các loại vi khuẩn, nấm mốc trên thực phẩm, thức ăn, đồ uống. Do đó, người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong thời tiết này nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ và có hạn sử dụng, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, các loại thức ăn lề đường để đảm bảo sức khoẻ cho cả gia đình./.

Nhật Thắng

. . . . .