04-12-2020 - 04:39

HPG 2020: Hợp tác và đối tác trong phòng chống đại dịch COVID-19

Ngày 3/12 tại Hà Nội diễn ra Cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) 2020 chủ đề “Hợp tác và đối tác trong phòng chống đại dịch COVID-19 và sẵn sàng ứng phó với các làn sóng tiếp theo” do Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long và TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cùng các đối tác quốc tế và các tổ chức quốc tế cũng đã thảo luận các biện pháp để giúp người dân Việt Nam có thể tiếp cận sớm nhất với vắc-xin COVID-19, đảm bảo an toàn hiệu quả trong tiêm phòng.

Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) 2020.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảm ơn sự đồng hành hỗ trợ của các đối tác quốc tế với ngành y tế trong thời gian qua cũng như hợp tác phòng chống đại dịch và sẵn sàng ứng phó với các làn sóng tiếp theo trong thời gian sắp tới. Bộ trưởng ghi nhận, trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu, các đối tác y tế đã trao tặng cho ngành y tế hơn 290.300 trang bị bảo hộ cá nhân (PPE), gần 1,4 triệu khẩu trang, 740 máy thở, đóng góp lớn vào nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam. Sự hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật thể hiện mối quan tâm, tin tưởng, và tình đoàn kết trong quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Bộ Y tế đã trực tiếp hoặc tham gia trao tặng cho hơn 22 quốc gia bao gồm hơn 2 triệu khẩu trang, máy thở, trang bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm COVID 19… Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất thành lập Kho vật tư y tế ASEAN và hiện đang tham gia tích cực vào quá trình thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó khẩn cấp với các vấn đề y tế công cộng và các bệnh mới nổi. Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam là nơi đặt trung tâm CDC khu vực và Chính phủ Việt Nam đã đồng ý với đề nghị này.

Toàn cảnh HPG 2020

 

Cho đến nay, công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, được thế giới công nhận, trong đó hợp tác đối tác giữ vai trò quan trọng. Từ kết quả đó, chúng ta cần tiếp tục hợp tác trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết lập trạng thái bình thường mới, duy trì các biện pháp phòng dịch hiện có và quan trọng là triển khai các hợp tác về phát triển và tiếp cận vaccine và các phương pháp điều trị mới.

Hướng về tương lai, COVID-19 là phép thử đối với hệ thống y tế của một quốc gia, là tiền đề để ngành y tế rà soát, nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế công cộng và các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu chuẩn bị một hệ thống y tế toàn diện, có năng lực, sẵn sàng, chủ động, tự lực và bền vững để ứng phó với rủi ro và phục hồi  phát triển.

Các đối tác quốc tế đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Các đối tác quốc tế như WHO, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản, … đã chúc mừng thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19. Các đại biểu quốc tế nhận định Việt Nam ghi nhận số ca mắc rất thấp so với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới, theo một bảng xếp hạng về năng lực nội tại. TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO cho biết, WHO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam trong thời gian tới để Việt Nam trở thành quốc gia khỏe mạnh và an toàn trên thế giới. WHO tái khẳng định hệ thống ứng phó COVID-19 ở Việt Nam đang vận hành rất tốt. Các nhân tố đóng góp cho thành công của Việt Nam có thể tóm tắt như sau: kích hoạt sớm hệ thống ứng phó mạnh mẽ; sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ và sự huy động thành công các nguồn lực với sự vào cuộc của toàn thể xã hội; truyền thông toàn diện và hiệu quả.

TS.Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO đồng chủ trì HPG 2020

 

Trưởng Đại diện WHO nhấn mạnh tới nỗ lực nhằm tiếp tục ngăn ngừa và ứng phó COVID-19, chuẩn bị cho hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với các ổ dịch; duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu và bảo vệ những vùng dân cư dễ bị tổn thương; tiếp tục lưu tâm tới các bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh không lây nhiễm; chuẩn bị sẵn sàng cho vắc-xin COVID-19; giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19; quan hệ đối tác hiệu quả và hợp tác để ngăn chặn các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong tương lai. Thông qua những nỗ lực này chúng ta có thể xây dựng các hệ thống ứng phó và mang tính chống chịu để hướng tới bao phủ y tế toàn dân và đưa ra quyết định cân bằng làm thế nào có thể chung sống an toàn cùng COVID-19. TS. Kidong Park nhấn mạnh tới "Sức khỏe cho mọi người" như biểu tượng của tinh thần hợp tác.

Tại HPG, đại diện EU và UNDP cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong việc tiếp cận vắc-xin COVID-19. EU đã công bố hỗ trợ các hệ thống y tế ở ASEAN 20 triệu euro nhằm ứng phó với COVID-19.

Để người dân Việt Nam tiếp cận sớm nhất với vắc-xin COVID-19 và Triển vọng về vắc-xin COVID-19 “Made in Vietnam”

Đại diện tổ chức PATH cho biết Việt Nam đã đạt được thành công và sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Việt Nam là một trong số ít các nước nghèo có khả năng tự chủ về vắc xin, 11/12 vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam được sản xuất trong nước. Về triển vọng tiêm phòng vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam, PATH sẽ phối hợp với WHO và UNICEF hỗ trợ dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin tại tất cả các bệnh viện, ghi chép đánh giá tiêm và phản ứng sau tiêm cho Bộ Y tế, cho thêm vắc-xin COVID-19 vào hệ thống tiêm chủng quốc gia.

Toàn cảnh HPG 2020

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tới việc làm sao để người dân tiếp cận vắc-xin COVID-19 sớm nhất, an toàn hiệu quả nhất, đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của chính phủ. Việt Nam hiện đang liên tục trao đổi đàm phán với các đối tác về cung ứng vắc-xin COVID-19. Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính tối đa nhanh nhất theo quy trình khẩn cấp nhưng vẫn đảm bảo đặt an toàn vắc-xin lên hàng đầu. Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới các đối tác WHO, EU, Australia, Nhật Bản,… về hỗ trợ cam kết giúp người dân tiếp cận vắc-xin COVID-19, đặc biệt là cơ chế cung ứng cho Việt Nam thông qua COVAX.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam có hệ thống tiêm chủng mạnh và đang tạo mọi điều kiện cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin COVID-19. Đã có những tín hiệu khả quan trong thử nghiệm tiền lâm sàng đối với vắc-xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất, tuy nhiên để đảm bảo những yêu cầu khắt khe và đặt an toàn vắc-xin lên hàng đầu, thời gian thử nghiệm lâm sàng có thể bị lùi tới quý II/2022.

 

Theo: Báo Sức khỏe & Đời sống

. . . . .