27-09-2017 - 06:04

Khó khăn, thách thức trong khám chữa bệnh y học cổ truyền

Thời gian qua, tại các cơ sở khám chữa bệnh(KCB) đã có rất nhiều áp lực đối với bác sĩ và nhân viên y tế trong việc thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế(BHYT). Bài toán này chưa có lời giải thì gần đây bảo hiểm xã hội lại có thêm một quy định đối với bác sĩ y học cổ truyền(YHCT) không được chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng. Điều này đã khiến cho các bệnh viện, các bác sĩ y học cổ truyền cũng như bệnh nhân vô cùng bức xúc.

Bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện YHCT tỉnh

 

Bác sĩ Phan Thanh Minh, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Bảo hiểm xã hội đã đề ra nhiều văn bản rất vô lý, buộc chúng tôi phải thực hiện. Gần đây nhất trong cuộc làm việc với bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Xuyên, các cán bộ (BHXH) đã đưa ra một tờ giấy, không có dấu hay chữ ký của người phụ trách nhưng buộc bệnh viện phải thực hiện yêu cầu nội dung của tờ giấy như: đối với bệnh nhân BHYT đến điều trị bằng phương pháp YHCT tại các cơ sở KCB được các thầy thuốc YHCT thực hiện các bước: Tứ chẩn, Bát cương, Pháp điều trị… Nếu người bệnh có thêm bệnh hoặc triệu chứng của bệnh cần chẩn đoán và điều trị kết hợp với y học hiện đại(YHHĐ) thì việc chỉ định cận lâm sàng để chẩn đoán và điều trị kết hợp với phương pháp YHHĐ cần có sự thống nhất(hội chẩn) giữa bác sĩ YHCT và bác sĩ YHHĐ có chứng chỉ hành nghề với phạm vi chuyên môn phù hợp. Những trường hợp người bệnh chỉ có bác sĩ chuyên khoa YHCT khám, chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng như xét nghiệm sinh hóa, điện tim thì tạm thời chưa thanh toán…. Điều này không có cơ sở, bảo hiểm xã hội đang đi ngược lại với những gì mà Bác Hồ căn dặn. Vì thế chúng tôi không thể chấp nhận những yêu cầu mà bảo hiểm xã hội huyện Cẩm Xuyên đưa ra”.

Theo bác sĩ Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố: “Để khám, điều trị cho người bệnh tốt thì việc chẩn đoán đúng bệnh là quan trọng, quyết định kết quả điều trị. Ngày xưa thầy thuốc y học cổ truyền khám chữa bệnh bằng đông y riêng biệt, thực hiện các bước tứ chẩn, bát cương, pháp điều trị…. Tuy nhiên nếu dùng đơn độc như thế thì hạn chế chất lượng điều trị. Ngày nay y học đã có bước phát triển phối hợp giữa YHCT và YHHĐ trong KCB, nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị.Vì vậy người thầy thuốc YHCT phải học đến 6 năm và học kết hợp giữa YHCT và YHHĐ trong KCB. Vì thế, thực hiện cận lâm sàng là một biện pháp không thể không có trong KCB của bác sĩ YHCT, điều này là đi đúng đường lối khoa học hiện nay, phối hợp giữa YHCT và YHHĐ trong KCB cho bệnh nhân”.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra, hướng dẫn cho cán bộ Y tế khám chữa bệnh bằng YHCT tại Bệnh viện YHCT.

 

Bệnh viện YHCT từ lâu đã KCB cho bệnh nhân kết hợp giữa YHCT và YHHĐ. Bởi vì bằng phương pháp này đem lại hiệu quả, chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Vì thế, mỗi tháng bệnh viện KCB cho 1.200 đến 1.600 bệnh nhân, trong đó có 750 đến 800 bệnh nhân điều trị nội trú. Có trên 90% bệnh nhân điều trị khỏi bệnh. Trong bệnh viện có khoa Cận Lâm sàng thực hiện siêu âm, chụp Xquang, xét nghiệm. Để chẩn đoán đúng, điều trị chính xác bệnh thì hầu hết các bệnh nhân vào KCB bác sĩ đều cho thực hiện cận lâm sàng và khi bệnh nhân vào điều trị thì có khoảng 30% bệnh nhân phải điều trị kết hợp giữa YHCT và YHHĐ. Ví dụ như một số bệnh phải điều trị kết hợp cả hai phương pháp như: tăng huyết áp, di chứng tai biến, rối loạn đái tháo đường, phẩu thuật trĩ… Bác sĩ Dương Đăng Hiền, Giám đốc Bệnh viện YHCT cho biết.

Một số bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân phải thốt lên: "Là người bác sĩ chỉ muốn tìm ra bệnh, tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị chính xác cho bệnh nhân thôi, chứ không có tình trạng lạm dụng hay chỉ định rộng rãi. Vậy thì có tội hay sao mà bắt họ phải gò bó trong việc khám chữa bệnh. Vậy lương tâm của người thầy thuốc thì sao, chúng tôi không thể làm trái với lương tâm người thầy thuốc. Ngoài ra, các bác sĩ cũng mất rất nhiều thời gian cho việc giải trình BHYT. Mỗi tháng có khoảng 2 đến 3 bác sĩ và điều dưỡng phải dành vài buổi không làm việc chuyên môn để lên phòng giám định BHYT giải trình việc chỉ định cận lâm sàng và thuốc điều trị. Ước gì bác sĩ, điều dưỡng chỉ lo chuyên môn cho bệnh nhân mà không cần bận tâm đến BHYT như hiện nay".

Bác sĩ Nguyễn Hữa Thương, Khoa PHCN – ĐY, bệnh viện đa khoa thành phố cho rằng: “việc bác sĩ YHCT thực hiện cận lâm sàng trong khám, điều trị là rất cần thiết cho bệnh nhân. Ví dụ như một bệnh nhân khi vào khám với biểu hiện đau xương khớp, nhưng chưa đủ các triệu chứng để chẩn đoán xác định bệnh. Do đó để chẩn đoán, điều trị đúng thì bác sĩ YHCT phải thực hiện chỉ định cận lâm sàng như: xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu. Nếu phát hiện bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn hoặc suy gan, viêm gan, suy thận thì bệnh nhân chưa thể làm các dịch vụ kỹ thuật phục hồi, đông y, mà bệnh nhân phải chuyển điều trị tại khoa, phòng khám tây y, đến khi các bệnh lý đó ổn định mới có thể thực hiện các dịch vụ kỹ thuật PHCN-ĐY, hoặc các bác sĩ sẽ hội chẩn để điều trị kết hợp giữa YHCT và YHHĐ, nhằm giúp điều trị cho bệnh nhân được tốt nhất. Hay một bệnh nhân khác vào khám với biểu hiện đau cột sống(lưng, cổ) hoặc đau các khớp kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, hồi hộp, khó thở khi gắng sức thì cần kiểm tra điện tim, để loại trừ các bệnh tim mạch. Nếu bệnh nhân bị các bệnh tim mạch mà làm các dịch vụ kỹ thuật của PHCN-ĐY có thể gây diễn tiến xấu cho bệnh nhân, nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, bác sĩ YHCT chỉ định thực hiện cận lâm sàng là đúng”.

Tờ giấy không có dấu hay chữ ký được cán bộ BHXH huyện Cẩm Xuyên đưa ra bắt bệnh viện phải thực hiện theo nội dung yêu cầu.

 

Thầy thuốc Nhân dân Trần Xuân Dâng, Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định: “ Việc Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo các giám định viên tại các cơ sở KCB xem xét việc chỉ định cận lâm sàng đối với các bác sĩ YHCT là không đúng thẩm quyền và trái với các Quy định của Bộ Y tế về kết hợp YHCT với YHHĐ. Tại Quyết định số 26/2008/QĐ-BYT ngày 22/7/2008 của Bộ Y tế, ban hành Quy trình hướng dẫn khám và điều trị các bệnh đơn thuần về YHCT(bác sĩ, lương y, y sĩ, y học cổ truyền đều phải thực hiện Quy trình này). Riêng bác sĩ YHCT thì được khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT hoặc kết hợp cả YHCT và YHHĐ, theo Thông tư số 50/2010/TT-BYT, ngày 31/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp YHCT với YHHĐ trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 4604/QĐ-BYT ngày 29/11/2010 của Bộ Y tế ban hành “Mẫu bệnh án y học cổ truyền”; Thông tư 01/2014/TT-BYT ngày 10/01/2014 của Bộ Y tế Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Khoa Y, Dược cổ truyền trong bệnh viện Nhà nước; Thông tư 01/2016/TT-BYT ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Bộ Y tế, Quy định về kê đơn thuốc y học cổ truyền, kê đơn thuốc y học cổ truyền kết hợp với thuốc tân dược trong các cơ sở khám chữa bệnh. Do vậy các bác sĩ YHCT được quyền khám bằng các phương pháp YHHĐ(nhìn, sờ, gõ, nghe) và được chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng như: siêu âm, điện tim, xét nghiệm…”

Rõ ràng, việc kết hợp YHCT và YHHĐ trong KCB cũng như bác sĩ YHCT có quyền chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vì thế đã đến lúc cơ quan BHYT cần hiểu rõ những việc bác sĩ cần làm, hiểu rõ người bệnh, để cùng với bác sĩ hỗ trợ người bệnh, thúc đẩy ngành Y và xã hội phát triển.

Thanh Loan

. . . . .