Sau 9 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ ngày 28 -7 giờ ngày mùng 6) đã có 313 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, không có ca tử vong, nhưng đã có một số trường hợp trọng thương do pháo nổ.
Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều ngày 10/2, tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi cho biết, so sánh 7 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ ngày 29 đến 7 giờ ngày mùng 6) Tết Kỷ Hợi với cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 12,8%, số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 42,2%, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 6,9%.
Về số ca khám và cấp cứu do tai nạn pháo nổ dịp Tết Kỷ Hợi, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong ngày mùng 5 Tết vẫn còn 11 trường hợp cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 6 ca so với cùng ngày Tết Mậu Tuất; có 4 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong ngày không có tử vong do pháo nổ.
Tính đến 7 giờ ngày mùng 6, sau 8 ngày nghỉ Tết (từ 7 giờ ngày 28 tháp chạp -7 giờ ngày mùng 6) đã có 313 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, không có ca tử vong; có 62 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Mặc dù từ trước Tết Nguyên đán, các cơ quan chức năng của các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý, khởi tố nhiều vụ án, đối tượng tàng trữ, vận chuyển mua bán pháo trái phép nhưng tình trạng đốt pháo trái phép vẫn không thuyên giảm và gây ra nhiều tai nạn nghiêm trọng.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã tiếp nhận nhiều ca cấp cứu tai nạn do đốt pháo trái phép. Chỉ trong ngày 30 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu 8 trường hợp với các thương tích ở mắt, tay, có trường hợp mù vĩnh viễn và bỏng nặng toàn thân. Theo các bác sĩ, số bệnh nhân nhập viên tăng cao vào thời điểm gần đến giao thừa và sau giao thừa.
Theo thống kê ban đầu của bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện do pháo hoa và pháo tự chế của người dân tăng hơn năm ngoái, tính đến ngày mùng 1 Tết đã tiếp nhận cấp cấp cứu 14 trường hợp chấn thương do hậu quả việc đốt pháo trái phép. Có thời điểm, bệnh viện tiếp đón 4 trường hợp thương tích do pháo nhập viện cùng một lúc. Các tai nạn do nổ pháo tự chế gây bỏng toàn bộ đầu mặt cổ, vùng ngực và hai tay, có trường hợp nguy cơ mù vĩnh viễn.
Một trường hợp bỏng nặng do đốt pháo trái phép điều trị tại Bệnh viện Hữu Đồng Hới.
Trước đó, vào ngày 3/2 (tức 29 Tết), Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy cũng cấp cứu cho một cháu trai 13 tuổi (trú tại xã Hoa Thủy) bị thương nặng ở bàn tay phải do đốt pháo tự chế.
Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong ngày mùng 1 Tết, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 50 người đưa về trụ sở lập biên bản, xử lý về hành vi đốt pháo. Tại huyện Nghi Xuân, hàng chục cảnh sát đồng loạt tới 19 xã, thị trấn trên địa bàn, bắt quả tang 45 người đốt pháo sau giao thừa.
Tình trạng này cũng xảy ra ở huyện Hương Sơn, sau giao thừa, công an phát hiện 54 vụ đốt pháo, 38 người bị xử lý vì có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ...
Cũng trong ngày 5 Tết Nguyên đán, số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 4.244 trường hợp, tăng nhẹ 0,9% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.757 trường hợp, tăng 14,1% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, chuyển tuyến trên điều trị 338 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện là 22 ca, tăng 7 ca (69%) so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Sau 8 ngày nghỉ Tết đã có 45.622 ca khám, cấp cứu tai nạn giao thông, chiếm 14,3% trong tổng số khám, cấp cứu trong dịp Tết, trong đó 16.687 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi và 187 trường hợp tử vong tại các bệnh viện, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện.
Cũng trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 5.303 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 15 trường hợp tử vong.
Tổng số ca cấp cứu do đánh nhau trong ngày 5 Tết là 527 trường hợp, giảm 18,5% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 364 trường hợp, giảm 19,3% so với cùng ngày Tết Mậu Tuất), số ca xác định do rượu, bia là 45 trường hợp tăng 12,5 %, có 65 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, có 1 ca tử vong, so với 5 ca cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018.
Ngày 9-2, Sở Y tế Hà Nội cho biết sau 6 ngày nghỉ Tết (từ 7h ngày 2-2 đến 7h 8-2), tổng số ca khám cấp cứu tại các bệnh viện là 9.940 ca. Trong đó, khám cấp cứu do tai nạn là 1.845 ca (số ca khám tai nạn giao thông là 838, số còn lại là tai nạn do nguyên nhân khác); tổng số ca đẻ: 1.180 ca.
Cũng trong những ngày trên, số ca tử vong là 20. Trong đó tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có 10 trường hợp; tiếp đến là tại Bệnh viện Ung bướu (4 trường hợp), Bệnh viện đa khoa Đống Đa (3 trường hợp)...
Trung tâm cấp cứu 115 đáp ứng 670/670 lượt yêu cầu cấp cứu.
Theo: Báo SKĐS