Sáng 23/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; đồng thời phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh 27/12. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế. Chủ trì tại điểm cầu tinh Hà Tĩnh có Tiến sỹ Đường Công Lự - PhóGiám đốc Sở Y tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đến nay về cơ bản đã kiểm soát thành công COVID-19. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn đang rất căng thẳng, sự lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại. Những nghiên cứu, đánh giá cho thấy, hệ số lây nhiễm không tăng nhưng số người nhiễm COVID-19 tại nhiều quốc gia lại tăng lên. Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu. Trước thông tin về biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Hiện Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ.
Bộ Trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo các cơ thế, đàm phán với các công ty để sớm nhất có vắc xin cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vắc xin, kể cả trong bối cảnh có vắc xin vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn với phòng chống COVID-19. Từ hôm nay, Bộ Y tế quyết định từ nay đến cuối năm trở thành đợt cao điểm phòng, chống COVID-19 để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 4 nội dung về công tác phòng chống dịch các địa phương phải đôn đốc triển khai từ nay đến cuối năm. Đó là tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép. Ban chỉ đạo các địa phương có biên giới cần quan tâm, bảo vệ phên dậu, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam. Nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm. Tăng cường triệt để trong quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) thì chỉ được cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra. Các địa phương chỉ đạo quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Thời điểm này nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm hết.
Hội nghị nhận được các tham luận của đại diện Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế trongtriển khai công tác giám sát và xét nghiệm COVID-19; hướng dẫn cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19; công tác phòng chống dịch COVID tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tại cuộc họp đại diện CDC Hoa Kỳ cho rằng chủng virus mới ở Anh, Nam Phi, loài chồn ở Đan Mạch cho thấy dù có vắc xin nhưng phải luôn có tinh thần ứng phó với đại dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, trong đó có Việt Nam. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết thế giới đã trải qua một năm đại dịch. Bài học quan trọng nhất là đầu tư vào công tác chuẩn bị ứng phó là công tác đầu tư hiệu quả. COVID-19 là đại dịch rất lớn chưa từng thấy trong vòng 100 năm. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế vững mạnh và linh hoạt.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch, phải chuẩn bị cho tình huống xấu bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu, vào lúc nào nên các địa phương phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, lên kế hoạch, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có COVID-19, phải khoanh vùng hay gia tăng người bệnh…Việt Nam vẫn tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K. Với cơ sở y tế, từ nay đến cuối năm cần đặt đây là ưu tiên trọng tâm, đưa công tác phòng chống dịch lên mức cao nhất. Phải chú trọng xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ lọt những ca bệnh nghi ngờ.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế cũng phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống dịch bệnh 27/12. Đây là nghị quyết đầu tiên Việt Nam dự thảo và trình Đại hội đồng Liên hợp Quốc, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngỳ 07/12/2020.
Đoàn Loan